Các lỗi thường gặp khi quét 3D

Cẩm nangCông nghệ 3D  lúc  02/06/2020  bởi  Tony 3D

Trong quá trình sử dụng máy quét 3D, người sử dụng sẽ gặp các lỗi cơ bản liên quan tới quét mẫu và chất lượng dữ liệu quét. Vậy đâu là các lỗi thường gặp khi quét 3D và làm cách nào để khắc phục nó. Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm của đội ngũ kỹ thuật 3DS trong việc sử dụng máy quét 3D.

Các lỗi thường gặp khi vận hành máy

Lỗi mất kết nối (Device Offline)

  • Nguyên nhân:

  1. Nguồn cấp cho máy quét không ổn định, chập chờn.
  2. Kết nối thông qua các cổng kết nối không đúng tiêu chuẩn.
  3. Camera của máy quét xung đột với camera hoặc phần cứng trên máy tính.
  • Cách khắc phục:

  1. Kiểm tra các thông số về điện áp và dòng điện cấp cho máy quét trước khi kết nối với nguồn điện. Đảm bảo nguồn điện cấp không bị chập chờn. Các tiếp điểm trên ổ cắm điện và phích cắm không quá lỏng lẻo.
  2. Kiểm tra chuẩn đầu ra của cáp tín hiệu trên máy quét 3D và cổng đầu vào trên máy tính. Đảm bảo các cổng kết nối này phải đúng tiêu chuẩn do nhà sản xuất đưa ra. Ví dụ: cáp tín hiệu sử dụng chuẩn USB 3.0 phải được kết nối với cổng USB 3.0 hoặc USB Super Speed trên máy tính. Việc kết nối sai tiêu chuẩn sẽ làm chậm tốc độ truyền dữ liệu hoặc mất kết nối giữa các thiết bị với nhau.
  3. Vô hiệu hóa camera có sẵn trên máy tính để tránh lỗi nhận diện sai hoặc camera của máy quét xung đột với camera có sẵn trên máy tính. Trong một số trường hợp, máy quét có thể xung đột với các thiết bị như USB, chuột, ... kết nối với máy tính. Khi gặp lỗi này, ta nên thử ngắt kết nối với một số thiết bị đang kết nối với máy tính, chỉ kết nối máy quét để tìm ra thiết bị gây xung đột.

Máy quét không nhận diện và thu thập biên dạng mẫu

  • Nguyên nhân:

  1. Điều chỉnh mức độ ánh sáng chưa hợp lý.
  2. Khoảng cách từ máy quét tới mẫu không hợp lý.
  3. Bề mặt mẫu quét quá bóng sáng, tối hoặc trong suốt.
  4. Lựa chọn sai chế độ ghép nối.
  • Cách khắc phục:

  1. Ánh sáng khi chiếu lên bề mặt mẫu không được quá cháy sáng hoặc quá tối mà phải ở mức độ cho phép để camera có thể nhận diện và thu nhận được dữ liệu mẫu một cách tốt nhất.
    Các lỗi thường gặp khi quét 3D
  2. Mỗi máy quét đều có khoảng cách tiêu chuẩn từ mẫu tới camera để nhận diện và thu thập được tối đa biên dạng trong quá trình quét dữ liệu.
    Đối với các máy quét cầm tay, người sử dụng máy có thể nhận biết và căn chỉnh khoảng cách này thông qua đèn báo khoảng cách trên thân máy hoặc thanh biểu thị khoảng cách trên phần mềm.
    Đối với các máy quét cố định, khoảng cách tiêu chuẩn sẽ được căn chỉnh dựa trên độ sắc nét của tiêu điểm mà đèn chiếu phát ra trên bề mặt mẫu và độ lệch của tiêu điểm thực tế so với tiêu điểm chuẩn trên màn hình hiển thị của camera.
    Các lỗi thường gặp khi quét 3D
  3. Các bề mặt bóng sáng sẽ phản xạ ánh sáng quá nhiều, màu đen hấp thụ ánh sáng và vật thể trong suốt cho ánh sáng đi xuyên qua. Để quét được dữ liệu của các bề mặt này, ta cần phải xử lý bề mặt mẫu bằng cách phủ 1 lớp bột mỏng lên bề mặt mẫu để giảm bớt hiện tượng tán xạ, hấp thụ ánh sáng và xuyên thấu.
  4. Máy quét có thể ghép nối các vùng dữ liệu thu nhận được dựa vào các điểm tham chiếu dán trên mẫu (Markers), sự khác biệt về biên dạng (Features) hay màu sắc bề mặt (Textures). Tuy nhiên, cần phải lựa chọn đúng chế độ ghép nối cho các mẫu khác nhau để không gặp lỗi khi quét dữ liệu 3D.

Các lỗi thường gặp khi quét 3D

Các lỗi thường gặp khi quét 3D

Các lỗi thường gặp với dữ liệu quét

Lỗi quét dữ liệu bị lệch, hở, chồng hoặc thiếu mặt

  • Nguyên nhân:

  1. Mẫu quá mỏng, dễ biến dạng trong quá trình quét.
  2. Tọa độ điểm của mẫu bị thay đổi trong quá trình quét.
  3. Thao tác quét chưa đúng, quét thiếu dữ liệu.
  4. Máy quét chưa được hiệu chuẩn.
  • Cách khắc phục:

  1. Nên lựa chọn chế độ quét có độ phân giải phù hợp với mẫu quét, chế tạo đồ gá cố định mẫu để quét toàn bộ biên dạng mẫu trong 1 lần quét để tránh việc mẫu bị biến dạng khi lật mặt. Sử dụng cách bắt điểm trung gian qua các đồ gá điểm hoặc quét dữ liệu điểm tham chiếu trước khi quét biên dạng mẫu.
  2. Luôn đảm bảo tọa độ điểm không bị thay đổi trong quá trình quét mẫu. Gá đặt mẫu chắc chắn và cố định trong hệ tọa độ điểm. Nếu sử dụng đồ gá điểm trung gian phải lưu ý việc trùng lặp hệ điểm khi đổi mẫu hoặc lật mặt. Tọa độ điểm bị thay đổi là lỗi thường gặp khi quét 3D với nhiều người mới sử dụng máy hoặc chưa có kinh nghiệm nhiều trong vận hành máy.
  3. Khi dịch chuyển máy quét, đặc biệt với các máy quét cầm tay, phải lưu ý không lia máy quá nhanh, không xoay góc máy quá đột ngột. Các thao tác quá nhanh và đột ngột sẽ làm camera của máy không kịp nhận diện dữ liệu sẽ dẫn tới dữ liệu sai lệch, thiếu gây hở mặt.
  4. Nên hiệu chuẩn máy quét theo khuyến nghị của hãng sản xuất hoặc hiệu chuẩn máy trước khi quét mẫu. Điều này đảm bảo máy được căn chỉnh về độ chính xác cao nhất, tránh được các hiện tượng không nhận biên dạng hay dữ liệu ghép nối sai do thông số hiệu chuẩn chưa chính xác.

Sai số của dữ liệu quét so với mẫu thực tế quá lớn

  • Nguyên nhân:

  1. Dữ liệu quét bị lệch, hở mặt trong quá trình quét.
  2. Sử dụng bột phủ quá dày.
  3. Chi tiết biến dạng trong quá trình quét.
  • Cách khắc phục:

Các nguyên nhân 1 và 3: tham khảo cách khắc phục ở phần Dữ liệu quét bị lệch, hở mặt.

Về bột phủ, hạt bột tuy có kích thước nhỏ nhưng nếu phủ nhiều sẽ tạo thành 1 lớp dày đáng kể. Điều này làm cho kích thước của mẫu bị thay đổi, không đúng với kích thước gốc. Do đó, ta chỉ phủ bột với các bề mặt bắt buộc và không phủ quá dày bột khi quét dữ liệu mẫu.

Màu sắc sai lệch nhiều so với thực tế khi quét dữ liệu màu

  • Nguyên nhân:

  1. Máy quét chưa được cân bằng trắng (White Balance).
  2. Ảnh hưởng của ánh sáng môi trường xung quanh.
  3. Sử dụng bột phủ khi quét mẫu
  4. Biên dạng mẫu bị lệch trong quá trình quét.
  • Cách khắc phục:

  1. Cân bằng trắng là bắt buộc với các máy quét trước khi thực hiện quét dữ liệu màu của mẫu. Đây là bước giúp camera của máy nhận diện và cân bằng hệ màu chuẩn. Thực hiện quá trình này chính xác trước khi quét mẫu sẽ giúp màu sắc của dữ liệu chính xác và đẹp hơn.
    Các lỗi thường gặp khi quét 3D
  2. Ánh sáng môi trường ảnh hưởng rất lớn tới màu sắc và hoạt động của camera máy quét. Nếu quét trong điều kiện quá sáng hoặc ảnh hưởng bởi ánh sáng mặt trời, máy sẽ không nhận diện đúng màu sắc hoặc không có khả năng bắt dữ liệu do cháy sáng. Trong điều kiện ánh sáng yếu, máy bắt dữ liệu biên dạng tốt nhưng màu sắc lúc này sẽ không chính xác do camera của máy quét chụp lại dữ liệu màu sắc của mẫu trong điều kiện tối, các màu sắc không còn chính xác như mẫu gốc và sẽ có hiện tượng lẫn màu xảy ra. Để đạt được màu sắc tốt nhất, nên quét trong môi trường ánh sáng vừa phải như trong phòng. Sử dụng các đèn hắt sáng vừa phải xung quanh mẫu để tản sáng đều lên bề mặt mẫu, giúp màu sắc chính xác và chân thực hơn.
  3. Để tránh sai lệch màu quá lớn, nên hạn chế phủ bột trên bề măt mẫu, chỉ phủ bột ở những bề mặt cần thiết. Lớp bột phủ không được quá dày.
  4. Biên dạng mẫu bị lệch là một trong các lỗi thường gặp khi quét 3D mẫu. Đây cũng là nguyên nhân làm các vùng màu bị sai lệch. Tham khảo cách khắc phục ở mục Dữ liệu quét bị lệch, hở mặt.

3D Smart Solutions

 

 


Về 3D Smart Solutions

Tiên phong trong cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ 3d tại Việt Nam. Tiêu chí hoạt động của chúng tôi là: Làm Đúng Ngay Từ Lần Đầu Tiên. Hãy bình luận trên trang FacebookLinkedin của chúng tôi! Đừng quên đăng ký bản tin hàng tuần miễn phí của chúng tôi, với tất cả tin tức mới nhất về Giải pháp 3D được gửi thẳng đến địa chỉ email của bạn.